Bản lĩnh người lính tìm dầu PVEP

28/12/2016

Chắc chắn sau này, trong biên niên sử của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) và của Tập đoàn Dầu khí sẽ có những trang ghi nhận những gì mà “người lính tìm dầu” PVEP đã làm được trong năm 2016.
Đó là một năm khó khăn chưa từng thấy. Đó là một năm tập thể lãnh đạo PVEP và đến từng người lao động phải vật lộn với khó khăn, phải vượt qua thách thức như con tàu vượt qua muôn ngàn lớp sóng. Và đó cũng là một năm mỗi người “lính PVEP” thể hiện được bản lĩnh, ý chí và tinh thần trách nhiệm cao của mình trước Đảng, nhân dân. 

Đoàn kết chính là chìa khóa để PVEP vượt quá khó khăn 

Năm 2016, tình trạng dư cung khiến giá dầu duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, thậm chí có thời điểm giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 13 năm qua (26,55USD/thùng vào ngày20-1-2016) tiếp tục tạo ra thách thức lớn cho các công ty dầu khí trong năm qua. Việc tổ chức OPEC và các quốc gia xuất khẩu dầu ngoài OPEC trong đó có Nga đạt được thỏa thuận quan trọng về cắt giảm sản lượng đã khiến giá dầu phục hồi mạnh từ giữa tháng 11, hướng tới mốc 60USD/thùng nhưng vẫn còn chứa đựng nhiều rủi ro.
Giá dầu Brent trung bình năm 2016 là 44,5USD/thùng thấp hơn nhiều so với giá dầu kế hoạch Tập đoàn giao là 60USD/thùng. Trong bối cảnh biến động ngoài dự báo và giảm sâu của giá dầu, hệ thống quy định pháp lý và cơ chế tài chính cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thăm dò khai thác bộc lộ nhiều bất cập, khả năng thu xếp vốn và nguồn vốn của PVEP gặp khó khăn, chưa có nguồn vốn phù hợp cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, mô hình tổ chức hoạt động và nguồn nhân lực còn có nhiều điểm chưa phù hợp. Và không thể không nói tới là có một vài dự án đã không đạt được hiệu quả như dự tính, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan. Những điểm yếu trong công tác đầu tư, quản lý sản xuất, công tác điều hành, công tác quản lý tài chính... đã được lãnh đạo PVEP và từng đơn vị thành viên nhận ra và có những biện pháp quyết liệt, tích cực để khắc phục.
Trong điều kiện giá dầu giảm sâu như hiện nay, hoạt động tìm kiếm, phát triển dự án mới và chuyển nhượng trong năm 2016 gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các dự án tìm kiếm, thăm dò mới mà PVEP quan tâm sàng lọc trong thời gian qua đều không đạt được hiệu quả kinh tế theo quy định. Công tác thu xếp vốn cho công tác đầu tư, phát triển dự án mới gặp nhiều khó khăn và thách thức trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là các dự án tìm kiếm, thăm dò. Mặt khác, các cơ hội dự án trên thị trường có quy mô hoặc nhỏ hoặc quá lớn so với năng lực tài chính của PVEP. 
Công tác thu xếp vốn của PVEP cho các hoạt động đầu tư gặp nhiều khó khăn, PVEP khó đi vay cho các dự án có giá thành cao hơn hoặc tiệm cận giá bán bình quân. Các dự án phát triển khai thác còn lại khá cận biên, không hấp dẫn ngân hàng để làm tài sản đảm bảo cho vay. Các dự án thăm dò hiện đang không có nguồn vốn để triển khai, hiện đang trình Tập đoàn xin cơ chế hoặc Tập đoàn cho tạm sử dụng nguồn thu hồi chi phí hoặc cho sử dụng Quỹ Tìm kiếm, thăm dò của Tập đoàn.
Ngoài ra, việc thiếu thủ tục đầu tư tại một số dự án khiến PVEP chưa thể thực hiện nghĩa vụ góp vốn theo quy định tại PSC/JOA (tổng cộng lên đến 93,5 triệu USD), dẫn đến nguy cơ bị phạt, bị kiện, bị mất quyền lợi tại một số dự án tham gia đầu tư trong khi quá trình xem xét, thẩm định, phê duyệt các thủ tục đầu tư kéo dài, một phần do giá dầu thấp không đảm bảo hiệu quả đầu tư cho PVEP.
Việc áp dụng cơ chế tài chính theo Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ không phù hợp với đặc thù hoạt động của PVEP và trong điều kiện giá dầu giảm sâu hiện nay, PVEP sẽ đối mặt với các rủi ro tài chính:  Không có nguồn vốn phù hợp cho hoạt động thăm dò; Không có cơ chế xử lý rủi ro khi các dự án không thành công dẫn đến nguy cơ mất cân đối tài chính, mất khả năng thanh toán, mất an toàn cho hoạt động của tổng công ty. 
Khó khăn chồng chất khó khăn là thế, nhưng với phương châm hành động: “Tam đồng”, tập thể lãnh đạo PVEP đã chủ động đề xuất với lãnh đạo các cấp hàng loạt các biện pháp cả về trước mắt và dài hạn nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, song song với việc chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp của riêng PVEP. Với sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn cùng với nỗ lực, tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng của ban lãnh đạo cùng tập thể người lao động tại tổng công ty và tại các đơn vị, dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh của PVEP năm 2016 được triển khai an toàn tuyệt đối, hoàn thành vượt mức cả kế hoạch sản lượng khai thác dầu khí do Tập đoàn giao và kế hoạch sản lượng do Chính phủ và Tập đoàn giao thêm, tiếp tục đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.
Trước sức ép lớn về cân đối dòng tiền do tác động xấu từ giá dầu duy trì thấp, PVEP đã đưa ra rất nhiều giải pháp như tối ưu như cắt giảm đầu tư, giảm chi phí vận hành khai thác và các chi phí quản lý hành chính, đàm phán giảm chi phí lãi vay… với mục tiêu tối ưu sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, đảm bảo tính thanh khoản tài chính và dòng tiền các dự án. 
Ngay từ cuối năm 2015 và đầu 2016, PVEP đã chủ động đề xuất nhiều kiến nghị và đưa ra các giải pháp cụ thể (trong ngắn hạn và dài hạn), đồng thời thành lập các tổ công tác đặc biệt trực tiếp làm việc với các cơ quan chức năng để tháo gỡ các khó khăn trước mắt và lâu dài cho PVEP, đặc biệt là các vướng mắc trong cơ chế tài chính. 
Tính tới thời điểm cuối tháng 12-2016, tình hình tài chính của PVEP đã có sự cải thiện rõ rệt dù chưa được như mong muốn. Dòng tiền của PVEP đã được đảm bảo an toàn thanh khoản trong năm 2016. Tuy nhiên, do giá dầu trung bình trong năm chỉ đạt 44,5USD/thùng, có thời điểm xuống mốc thấp nhất trong 13 năm qua là 26,55USD/thùng (vào ngày 20-1-2016) và chưa có thời điểm nào trong năm đạt được mốc 60USD/thùng như giá dầu kế hoạch, trong khi đó Tập đoàn chưa điều chỉnh chỉ tiêu giá dầu theo thực tế, do đó các chỉ tiêu tài chính của PVEP không thể đạt kế hoạch Tập đoàn giao. 
Có một vấn đề khá “nan giải” là: Đối với chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế, do theo quy định hiện nay PVEP phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo khối lượng dầu xuất bán tại các dự án, không phụ thuộc vào lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác. Do đó, mặc dù lợi nhuận trước thuế của PVEP chỉ đạt 3.091 tỉ đồng, nhưng thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp lên đến 5.189 tỉ đồng. PVEP cũng đã báo cáo kiến nghị với các cơ quan chủ quản về bất cập này đối với lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, khi nhiều nước sản xuất dầu đã có những bước đi điều chỉnh và hỗ trợ về trách nhiệm thuế cho các công ty dầu khí trong tình hình giá dầu duy trì mức thấp kéo dài như trong thời gian qua.
Ước tính tại thời điểm 31-12-2016 tổng tài sản của PVEP là 151.007 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu là 79.443 tỉ đồng.
Năm 2016, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, song với những nỗ lực vượt bậc của toàn Tổng Công ty, hoạt động sản xuất kinh doanh của PVEP được triển khai an toàn tuyệt đối và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu sản lượng khai thác, tiếp tục đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, đặc biệt là dòng tiền của PVEP đã được cải thiện, giảm thiểu số tiền thiếu hụt trong cân đối vốn từ mức 403,8 triệu USD (với mức giá 30USD/thùng và trước khi thực hiện các giải pháp) về mức đảm bảo đủ hoạt động năm 2016 (với mức 30USD/thùng) sau khi thực hiện một loạt các giải pháp ứng phó đến thời điểm hiện tại.
Về công tác quản lý điều hành, năm 2016, PVEP tiếp tục ứng dụng có hiệu quả các công cụ quản lý điều hành dự án như các quy trình quản lý nội bộ, chỉ tiêu đánh giá dự án. Đặc biệt hoạt động trên các mặt của PVEP trong năm qua đã khẳng định thành công của việc triển khai hệ thống xây dựng và quản lý giám sát thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu ngân sách, đánh giá hiệu quả đến từng đơn vị, dự án và từng ban chức năng tại bộ máy điều hành tổng công ty, góp phần nâng cao chất lượng quản lý điều hành, hệ thống kiểm soát đầu tư và chi phí. 
Công tác tổ chức và phát triển nguồn nhân lực: Thúc đẩy và triển khai mạnh mẽ phương án tái cấu trúc trong bộ máy PVEP từ trên xuống dưới, nhằm tối ưu mọi nguồn lực và tăng cường hiệu quả hoạt động ở tại cả bộ máy và tại các đơn vị; Đẩy mạnh áp dụng các phương thức quản lý nhân lực trên cơ sở hiệu quả công việc; Tối ưu hóa nhân lực, sơ đồ tổ chức của các dự án; Hoàn thiện các quy định nội bộ nhằm nâng cao chất lượng quản lý, làm rõ trách nhiệm cụ thể của tất cả các cấp trong quy trình quản lý.
Cuối năm 2016, giá dầu đã có “nhúc nhích” đi lên, mặc dù chưa đạt được như kỳ vọng là khoảng 60USD/thùng, nhưng dù sao, PVEP cũng đã “dễ thở” hơn tý chút. 

Tổng Giám đốc PVEP Ngô Hữu Hải báo cáo Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong chuyến thăm của Chủ tịch nước tại chi nhánh PVEP Peru

Bước sang năm 2017 , năm mà lãnh đạo PVEP xác định, vẫn phải “cần mẫn bới như gà, nhặt nhạnh từng hạt thóc”, PVEP đã hạ quyết tâm: Với giả định giá dầu kế hoạch năm 2017 là 50USD/thùng, các chỉ tiêu tài chính của PVEP như sau: Doanh thu: 28.603 tỉ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước: 7.560 tỉ đồng.
Để làm được điều đó, cần phải tập trung vào các nhóm giải pháp là:
Thực hiện đánh giá chất lượng tài sản của PVEP, đặc biệt đối với các dự án ở nước ngoài, từ đó đề xuất giải pháp, dừng các dự án một cách cụ thể và điều chỉnh chiến lược đầu tư phù hợp, cũng như xử lý nguồn vốn cho dự án tìm kiếm, thăm dò.
Thực hiện rà soát, đánh giá, tái cấu trúc danh mục đầu tư, thanh lọc dự án đầu tư thăm dò, phát triển hiện nay đảm bảo hiệu quả, kiểm soát chi phí phù hợp, cải thiện dòng tiền các dự án đang khai thác.
Trong quá trình triển khai cần quản lý chặt chẽ, thống nhất từ BCĐT/FDP, CTCT&NS hằng năm đến khả năng cân đối vốn, đảm bảo các thủ tục đầu tư đều được tuân thủ; Tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên: Dự án khai thác có hiệu quả, xử lý các vấn đề tài chính cấp bách; Thực hiện các cam kết quan trọng trên cơ sở có hiệu quả và các nhiệm vụ khác sau khi cân đối nguồn lực cho các nhiệm vụ trên.
Đối với các dự án có giá thành cao, dòng tiền âm cả trong ngắn và dài hạn, đề xuất dừng khai thác nếu các mục tiêu tối ưu/cắt giảm chi phí không thực hiện được (trước mắt gồm Lô 01-02/97 LSJOC, Lô 09-3 VRJ), PVEP sẽ nghiên cứu phương án triển khai tối ưu và đề xuất điều hành theo cơ chế điều hành phi lợi nhuận. 
Tích cực đàm phán giảm giá với các nhà thầu dịch vụ nhằm tiếp tục tiết giảm chi phí các dự án, đặc biệt đối với các mỏ có giá thành khai thác cao/dòng tiền dự án không đảm bảo. Đồng thời, cần tổ chức đấu thầu cạnh tranh các dịch vụ trong hoạt động dầu khí để đảm bảo giá cạnh tranh trong bối cảnh giá dầu thấp như hiện nay. Mục tiêu cắt giảm tối thiểu 10% chi phí vận hành của các dự án khai thác.
Tập trung xem xét, tìm các phương án, giải pháp xử lý các khoản vay liên quan đến các dự án không có nguồn trả nợ; Dự án không đủ nguồn trả nợ... và xử lý tài chính các dự án đầu tư phát sinh ngoài báo cáo đầu tư/FDP được phê duyệt. Tiếp tục tối ưu phí thu xếp vốn và lãi vay thông qua đàm phán/đàm phán lại mức phí, lãi suất và cân nhắc các phương án thu xếp vốn mới trong năm tới. 
Với dự báo giá dầu trong thời gian tới chưa thể phục hồi và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, hoạt động sản xuất kinh doanh của PVEP trong năm 2017 sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, để tạo điều kiện cho PVEP hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2017, bên cạnh nỗ lực quyết tâm và nội lực của toàn thể cán bộ, người lao động, PVEP xin kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành, Tập đoàn hỗ trợ những nội dung sau:
Chính phủ chấp thuận phê duyệt cơ chế tài chính phù hợp cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù thăm dò khai thác dầu khí như PVEP gồm:
Đối với Quỹ Rủi ro tìm kiếm thăm dò của PVEP/PVN: Cho phép PVEP/PVN được trích Quỹ Rủi ro tìm kiếm, thăm dò bằng 30% lợi nhuận sau thuế của PVEP/PVN (trích tại PVEP/PVN) và được dùng chung cho tất cả các dự án Thăm dò của PVEP/PVN;
Phân bổ chi phí các dự án dầu khí: Cho phép PVN là đơn vị có thẩm quyền phê duyệt việc thực hiện phân bổ chi phí thăm dò, phát triển của các dự án dầu khí không hiệu quả của PVEP.
Cho phép có cơ chế đảm bảo thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp phải được khấu trừ các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp (chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính (lãi vay...) và chi phí được phân bổ trong kỳ của các khoản đầu tư không thành công trong quá khứ...
Với các mỏ đang khai thác không hiệu quả như Lô 01/97&02/97 (mỏ Thăng Long - Đông Đô) của Lam Sơn JOC và Lô 09-3 của VRJ, PVEP/PVN kiến nghị Chính phủ phê duyệt chủ trương cho phép dừng khai thác các mỏ này càng sớm càng tốt và áp dụng hình thức cơ chế điều hành mỏ phi lợi nhuận (như mô hình đã được Chính phủ phê duyệt với mỏ Sông Đốc, Lô 46/13).
Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành tiếp tục có các nghiên cứu, cải tiến/đổi mới cơ chế quản lý đầu tư (như tăng hạn mức phân cấp quyết định đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí/PVEP), quản lý hiệu quả tài chính đối với các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực đặc thù và rủi ro thăm dò như PVEP, vừa đảm bảo hiệu quả tài chính doanh nghiệp, vừa thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó, tiếp tục theo đuổi các chỉ tiêu chiến lược về gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác trong dài hạn, đảm bảo các mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia và an ninh biển đảo Tổ quốc.
Quy mô các cấu tạo mỏ dầu khí của Việt Nam hầu hết được phát hiện những năm gần đây đều là các mỏ nhỏ, đến rất nhỏ, điều kiện phát triển là khá khó khăn với công nghệ dầu khí và điều kiện kinh tế hiện tại. Do đó, để tạo thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét chấp thuận cơ chế đặc thù phù hợp cho PVN/PVEP nhằm tạo điều kiện khuyến khích đầu tư phát triển khai thác các mỏ nhỏ cận biên, tránh lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia.
Bên cạnh đó, PVEP cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định điều chỉnh đối với hoạt động dầu khí ở nước ngoài; Bổ sung quy định đối với mô hình công ty hoạt động trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, phù hợp với thông lệ quốc tế và sửa đổi Luật Đầu tư 2014 theo hướng tăng thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tạo sự chủ động, linh hoạt trong quyết định, quản lý, tổ chức triển khai dự án.
Với những gì mà tập thể lãnh đạo và người lao động PVEP đã làm được trong năm 2016, có thể hoàn toàn tin tưởng được rằng, năm 2017, PVEP sẽ có những bước bứt phá mạnh mẽ, đánh dấu sự kiện kỷ niệm 10 năm thành lập tổng công ty và xứng đáng là một trong những đơn vị chủ lực của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Thực hiện: Nguyễn Như Phong 

 

Lượt truy cập: 3672