Hành trình “chinh phục” Sư Tử (Kỳ 2): Giá trị cống hiến của người dầu khí
Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập (16/9/1998) đánh dấu một chặng đường phát triển thành công, tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long (Cửu Long JOC) tự tin vững bước trên hành trình chinh phục mốc sản lượng mới - 500 triệu thùng dầu, giữ vững vị thế là nhà khai thác dầu khí lớn thứ hai Việt Nam trong nhiều năm nữa.
1. Trong chuyến đi lần này, chúng tôi hết sức may mắn khi được kéo dài hành trình đến thăm mỏ khí Sư Tử Trắng. Từ giàn công nghệ trung tâm Sư Tử Vàng CPP, tàu dịch vụ đưa chúng tôi di chuyển sang cụm giàn Sư Tử Trắng cách đó khoảng 19km.
Trong cụm giàn Sư Tử Trắng, giàn đầu giếng WHP-C đón dòng khí đầu tiên vào năm 2012. Sau đó, dự án tiếp tục được phát triển giai đoạn 1 thành công với giàn nén khí ST-PIP được lắp đặt kết nối với giàn WHP-C vào tháng 11/2016. Đây chính là mốc son đặc biệt có ý nghĩa, dự án của rất nhiều những kỷ lục mà đáng kể nhất là lần đầu tiên ở khu vực châu Á có giàn nén khí làm việc với áp suất lên đến 520 Bar. Tính trên phạm vi toàn thế giới, cũng chỉ vài dự án có áp suất làm việc tương tự như vậy ở vịnh Mexico hay Bắc Mỹ.
Cụm giàn Sư Tử Trắng.
Dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 1 đã đánh dấu sự vươn lên làm chủ công nghệ của người Việt khi toàn bộ phần thiết kế FEED và thiết kế chi tiết đều được thực hiện bởi các nhà thầu tư vấn thiết kế trong nước (PVE, TPVN & PTSC M&C). Vị trí quản lý dự án hầu hết được trao cho người Việt Nam, đồng thời, tổng thầu EPCI cũng do nhà thầu trong nước có nhiều kinh nghiệm là PTSC đảm nhiệm.
Được biết, trong giai đoạn này Cửu Long JOC đã tiến hành nghiên cứu và là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai thành công công nghệ bơm ép khí khô trở lại vỉa ở dự án Sư Tử Trắng. Việc bơm ép khí trở lại vỉa giúp duy trì áp suất vỉa, tránh hiện tượng suy giảm khai thác, nâng cao hệ số thu hồi, đồng thời giúp khai thác condensate nhằm tăng lợi nhuận cho nước chủ nhà, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đối tác trong bối cảnh cơ sở hạ tầng phát triển khí chưa sẵn sàng, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong cam kết mua bán khí.
Để những kẻ “ngoại đạo” như chúng tôi dễ hình dung, Giàn trưởng Phạm Ngọc Hiếu đã ví von cụm máy nén khí này được xem như “trái tim” của cụm giàn Sư Tử Trắng. Đây là hệ thống rất hiện đại và lần đầu tiên áp dụng tại khu vực Đông Nam Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Hiện nay, giàn Sư Tử Trắng với công nghệ nén khí này đã và đang nén được khoảng 115 triệu bộ khối khí ngược xuống vỉa. Và với áp suất vận hành rất cao, khoảng 475 Bar - 482 Bar; nhiệt độ rất nóng, 122-125 độ C, có thể nói cụm máy nén khí này đóng vai trò tăng sản lượng, duy trì sản lượng rất quan trọng cho giàn Sư Tử Trắng cũng như cho Cửu Long JOC với khoảng 7 nghìn thùng/ngày. “Tùy theo thời điểm xuất khí và điều kiện của từng giếng thì chiếm tỉ trọng khoảng 50% của tổng sản lượng giàn Sư Tử Trắng và 21% tổng sản lượng của Cửu Long JOC” - anh Hiếu cho biết.
Giàn trưởng Phạm Ngọc Hiếu trao đổi với phóng viên.
Thành công trong việc phát triển mỏ Sư Tử Trắng giai đoạn 1, Dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 2A được hình thành và bắt đầu triển khai vào thời điểm vô cùng khó khăn: Dịch bệnh Covid-19. Các chỉ thị giãn cách xã hội được thực hiện trên toàn cầu khiến quá trình thiết kế, chế tạo, huy động thiết bị, nhân lực cho dự án hết sức phức tạp và bị kéo dài hơn so với bình thường. Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm và nỗ lực của tập thể lãnh đạo, CBNV Cửu Long JOC, cùng sự hỗ trợ, chỉ đạo tích cực của lãnh đạo Petrovietnam và các bên tham gia, dòng khí đầu tiên của giai đoạn 2A đã được khai thác vào ngày 14/6/2021, vượt tiến độ 16 ngày so với kế hoạch, góp phần đáng kể trong việc gia tăng sản lượng khai thác toàn Lô 15-1, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước và các bên tham gia đầu tư trong dự án.
2. Các hoạt động dầu khí luôn luôn mang tính chất liên tục. Có nghĩa là cần không ngừng đầu tư, quan tâm bảo dưỡng các hệ thống trang thiết bị để công tác vận hành diễn ra liên tục, không ngừng có những giải pháp, khoan thêm giếng, can thiệp giếng, để duy trì được sản lượng khai thác. Những mỏ dầu khí cần sự quan tâm rất lớn như thế để có thể liên tục duy trì những kết quả đã đạt được, đặc biệt ở đây là kết quả về an toàn và kết quả về sản lượng khai thác.
Chưa bao giờ trong một chuyến công tác mà chúng tôi lại được tiếp thu một lượng thông tin khổng lồ và biết đến nhiều cái “nhất” và “đầu tiên” như vậy. Có lẽ, để có thể kể hết những sáng kiến cải tiến kỹ thuật, những giải pháp công nghệ tiên tiến và hiện đại nhất nhì trong khu vực và trên thế giới mà đội ngũ Cửu Long JOC đã nghiên cứu, thực hiện trong vòng 25 năm qua phải mất đến vài trăm trang giấy.
Người lao động Cửu Long JOC trên giàn Sư Tử Trắng
Qua những câu chuyện được nghe, chúng tôi có thể hình dung được chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ lao động người Việt tại Cửu Long JOC bằng việc tự học hỏi, vươn lên trong tất cả các khâu kỹ thuật, quản lý, điều hành… đã từng bước làm chủ một mô hình công ty liên doanh năng động, gọn nhẹ và hiệu quả, tăng cường đến mức cao nhất sự tham gia của nước chủ nhà trong liên doanh.
Như TS Trần Hồng Nam - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) đánh giá, đến nay, các mỏ Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Nâu và Sư Tử Trắng đã đem lại hiệu quả vô cùng to lớn; rất nhiều sáng kiến, sáng chế đã được phát triển tại Cửu Long JOC. Các thế hệ cán bộ nhân viên, các thế hệ lãnh đạo của Cửu Long JOC cũng đã được trưởng thành và từ đó cũng phát triển và cũng đóng góp vào cán bộ nòng cốt của PVEP và của Petrovietnam.
Sau thành công của Dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 2A, đánh dấu bước trưởng thành sau 25 năm phát triển, Cửu Long JOC hiện đã và đang tiếp tục triển khai hiệu quả, đúng tiến độ các mốc quan trọng của dự án giai đoạn 2B theo như Kế hoạch đại cương phát triển mỏ đã được các bên, Petrovietnam và Chính phủ phê duyệt. Tổng Giám đốc Cửu Long JOC, ông Lê Đắc Hóa khẳng định, trong giai đoạn tiếp theo, công tác ký kết Hợp đồng Dầu khí mới sau ngày 16/9/2025 có thể xem là một nhiệm vụ tối quan trọng và cấp thiết đối với Lô 15-1, là tiền đề triển khai phát triển Dự án Sư Tử Trắng giai đoạn 2B, nhằm sớm đưa tài nguyên vào khai thác, góp phần duy trì, gia tăng sản lượng khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong những năm sắp tới.
Lượt truy cập: 309