Hành trình “chinh phục” Sư Tử (Kỳ 1): Chặng đường mang nhiều kỷ lục
Hướng tới kỷ niệm 25 năm ngày thành lập (16/9/1998 - 16/9/2023), đánh dấu một chặng đường phát triển thành công, tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên Công ty Liên doanh điều hành Cửu Long (Cửu Long JOC) tự tin vững bước trên hành trình chinh phục mốc sản lượng mới - 500 triệu thùng dầu, giữ vững vị thế là nhà khai thác dầu khí lớn thứ hai Việt Nam trong nhiều năm nữa.
1. Đầu tháng 9 năm 2023, chúng tôi theo chân đoàn cán bộ, kỹ sư thuộc Công ty Liên doanh Điều hành Cửu Long, còn gọi là Cửu Long JOC, ra giàn Công nghệ Trung tâm Sư Tử Vàng. Đều đặn 3 tuần một lần, các cán bộ, kỹ sư, người lao động Cửu Long JOC làm việc trên các công trình biển lại thực hiện đổi ca như vậy. Trước đây, chúng tôi từng tháp tùng đoàn công tác của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), lãnh đạo Tổng Công Ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Cửu Long JOC ra thăm giàn, nhưng chuyến đi này mới thật sự có thời gian và cơ hội tìm hiểu sâu về “con sư tử” khổng lồ này.
Giàn công nghệ trung tâm Sư Tử Vàng, mỏ Sư Tử Vàng, Lô 15-1
Thêm một may mắn là chúng tôi được gặp giàn trưởng Phạm Vũ Thắng tại sân bay Vũng Tàu, anh cũng thực hiện đổi ca cùng chuyến. Rất thân thân thiện và cởi mở, giàn trưởng Thắng đã chủ động bắt chuyện và còn giúp đỡ chúng tôi khênh đống hành lý là thiết bị quay cồng kềnh trong suốt hành trình ra giàn. Qua cuộc trò chuyện ngắn với anh trong lúc chờ bay, chúng tôi đã phần nào thêm hiểu về giàn và bắt đầu có ấn tượng khá tốt đẹp về sự thân thiện, về “nơi đáng làm việc” của giàn Sư Tử Vàng CPP - điều mà chúng tôi đã được nghe kể trước đó.
Sau hơn một giờ bay, chúng tôi đã được đặt chân lên giàn Sư Tử Vàng CPP - nơi được mệnh danh là “bộ não” của cả cụm mỏ Sư Tử. Giàn có chức năng tiếp nhận và xử lý dầu, khí và nước từ các giếng của giàn và các giàn đầu giếng vệ tinh (Sư Tử Vàng Tây Nam, Sư Tử Vàng Đông Bắc, Sư Tử Đen Đông Bắc, Sư Tử Nâu Nam, Sư Tử Nâu Bắc), nhận khí và condensate từ giàn Sư Tử Trắng, với công suất thiết kế có thể xử lý 100 nghìn thùng dầu, 130 nghìn thùng nước và 160 triệu bộ khối khí một ngày.
Theo giàn trưởng Phạm Vũ Thắng chia sẻ, mỏ Sư Tử Vàng là mỏ dầu lớn thứ 4 tại Việt Nam và đứng thứ 2 trong số các mỏ dầu mà Cửu Long JOC đang khai thác. Mỏ Sư Tử Vàng được phát hiện vào năm 2001, đưa vào khai thác từ năm 2008 bởi giàn Sư Tử Vàng CPP, với sản lượng khai thác khoảng 65 nghìn thùng dầu/ngày.
Giàn trưởng Phạm Vũ Thắng (giữa) giới thiệu với phóng viên các quy trình hoạt động của giàn.
Với đặc thù của cụm mỏ Sư Tử là khai thác cả dầu và khí, vì vậy giàn Sư Tử Vàng CPP có rất nhiều điểm khác biệt so với các giàn xử lý trung tâm khác. Công tác an toàn của giàn cũng chính là yếu tố luôn được đặt lên hàng đầu. Là người quản lý, kiểm soát tất cả các hoạt động và công việc trên giàn, giàn trưởng Phạm Vũ Thắng có trách nhiệm bảo đảm hai mục tiêu quan trọng hàng đầu là an toàn và hiệu suất vận hành luôn ở mức cao.
Anh cho biết, yếu tố góp phần vào thành công của CPP hiện nay đó là văn hóa an toàn, trách nhiệm, trung thực, đoàn kết và hợp tác, chia sẻ. Sản lượng dầu khai thác được là điều vô cùng quan trọng, nhưng tại Cửu Long JOC, công tác an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Lãnh đạo công ty luôn quán triệt các cấp phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất đã được đề ra, bên cạnh đó luôn không ngừng cải tiến các quy trình nhằm giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sản xuất.
Trong những năm qua, Cửu Long JOC luôn đạt và vượt các chỉ tiêu về an toàn. Công tác an toàn sản xuất được bảo đảm tuyệt đối, không xảy ra tai nạn nghiêm trọng mất giờ công lao động. Tính đến ngày 31/12/2022, Cửu Long JOC đã đạt tổng số 27.532.118 giờ công lao động an toàn trên các công trình, dự án.
2. Điểm lại một số cột mốc đáng nhớ của mỏ Sư Tử Vàng, có thể kể đến thành công của các dự án Sư Tử Vàng Đông Bắc (SVNE) năm 2013 và Sư Tử Vàng Tây Nam (SVSW) (năm 2014). Đây là 2 dự án giàn nhẹ đầu tiên ở Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc với thời gian và chi phí tối ưu, đóng vai trò quyết định cho hiệu quả kinh tế của dự án. SVSW là mỏ dầu khí giữ kỷ lục về thời gian phát triển ngắn nhất cho đến nay của ngành Dầu khí Việt Nam, chỉ trong vòng hơn 10 tháng, vượt kỷ lục trước đó vốn thuộc về dự án SVNE (12 tháng).
Đón dòng dầu đầu tiên trên giàn SVNE, mỏ Sư Tử Vàng Đông Bắc, tháng 10/2013.
Có thể nói, 2014 là năm ghi nhận kỷ lục về công tác phát triển mỏ Cửu Long JOC khi đơn vị liên tiếp hoàn thành xuất sắc các dự án phát triển mỏ. Cùng với Dự án Sư Tử Vàng Tây Nam, Dự án Sư Tử Nâu với 2 giàn đầu giếng Sư Tử Nâu Bắc và Sư Tử Nâu Nam đã được đưa vào khai thác vượt tiến độ, với sản lượng 45.000 thùng/ngày. Việc đưa các dự án Sư Tử Nâu và SVSW vào vận hành khai thác sớm hơn kế hoạch, đã tăng thêm doanh thu năm 2014 cho toàn dự án, nâng tổng sản lượng khai thác toàn Lô 15-1 đạt gần 80.000 thùng/ngày, đưa tổng sản lượng khai thác dầu của Cửu Long JOC đạt trên 2,24 triệu tấn năm 2014, đóng góp quan trọng trong việc hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch sản lượng khai thác dầu khí của Petrovietnam.
Bên cạnh các hoạt động tích cực trong lĩnh vực phát triển mỏ mới, giai đoạn này cũng đánh dấu nhiều đóng góp, sáng tạo của đội ngũ Cửu Long JOC trong công tác bảo đảm tính toàn vẹn của hệ thống thiết bị, hỗ trợ vận hành tuyệt đối an toàn và liên tục trong khai thác, giúp nâng cao và duy trì mức sản lượng. Nổi bật là việc hoàn thành và đưa hệ thống thiết bị xử lý nước trên giàn WHP-A mỏ Sư Tử Đen vào khai thác.
Cần phải nhấn mạnh rằng, Sư Tử Đen chính là mỏ có sản lượng lớn nhất trong số các mỏ mà Cửu Long JOC vận hành và cũng là mỏ khai thác dầu có sản lượng đứng thứ 2 tại Việt Nam chỉ sau mỏ Bạch Hổ. Mỏ Sư Tử Đen được phát hiện đầu tiên và công bố thương mại vào năm 2001, đưa vào khai thác một phần từ năm 2003 với giàn WHP-A, sản lượng khai thác khoảng 70 nghìn thùng dầu/ngày.
Chuyện chế tạo giàn WHP-A cũng là một câu chuyện thú vị khẳng định sự vươn lên làm chủ công nghệ của người Việt Nam, đánh dấu mốc son của ngành cơ khí chế tạo dầu khí Việt Nam. Giàn công nghệ đầu giếng này do Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) là tổng thầu EPCI, có quy mô lớn nhất thời điểm bấy giờ được chế tạo tại Việt Nam, nặng khoảng 4.300 tấn được thiết kế tự động hóa hoàn toàn. Giàn tiếp nhận dầu từ các giếng khai thác mỏ Sư Tử Đen, chuyển về tàu FPSO Thái Bình VN sau đó xử lý dầu thông qua hệ thống đường ống nội mỏ.
Nguồn: Petrotimes
Lượt truy cập: 275