Giải pháp cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí giai đoạn 2021-2025

13/03/2023

Ngày 10/3, tại TP HCM, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức Hội nghị Thăm dò Khai thác dầu khí (TDKT) năm 2023, nhằm triển khai kế hoạch TDKT năm 2023 và các giải pháp giai đoạn trung hạn (từ 2023 - 2025) để thực hiện thành công kế hoạch gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác cho giai đoạn 2021-2025.

Phát biểu chỉ đạo khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch HĐTV Petrovietnam nhấn mạnh: Hoạt động Thăm dò Khai thác dầu khí vẫn luôn là một trong những lĩnh vực cốt lõi, then chốt, đóng góp lớn trong việc hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch và chiến lược phát triển của Tập đoàn nói riêng và đất nước nói chung. Do vậy, việc tập trung đầu tư cho công tác thăm dò, khai thác luôn được chú trọng và ưu tiên hàng đầu. Petrovietnam luôn sẵn sàng về nguồn lực và tiềm lực để thực hiện các kế hoạch thăm dò khai thác mang tính đột phá, quyết liệt.

Toàn cảnh hội nghị.

Năm 2022 là một năm đặc biệt đối với ngành Dầu khí, ghi dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực Tìm kiếm Thăm dò, Khai thác dầu khí với việc Quốc hội thông qua Luật Dầu khí mới vào ngày 14/11/2022 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Luật Dầu khí năm 2022 là khung pháp lý tổng quát cho ngành Dầu khí, giảm bớt sự chồng chéo giữa các luật trong hoạt động dầu khí, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều mỏ dầu khí ở giai đoạn cuối đời mỏ sẽ chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu.

Trước bối cảnh đó, Hội nghị Thăm dò Khai thác dầu khí năm 2023 được tổ chức với mục tiêu chính là triển khai kế hoạch TDKT dầu khí năm 2023 và các giải pháp giai đoạn trung hạn (từ năm 2023 đến năm 2025) để thực hiện thành công kế hoạch gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác cho giai đoạn 2021-2025.

Ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch HĐTV Petrovietnam phát biểu chỉ đạo khai mạc Hội nghị.

Năm 2022, gia tăng trữ lượng đạt 16,97 triệu tấn quy dầu; dầu thô khai thác trong nước đạt 8,94 triệu tấn vượt 27% kế hoạch; dầu thô nước ngoài đạt 1,86 triệu tấn, vượt 9% kế hoạch; Khí xuất bán đạt 8,08 tỷ m3, vượt 7% so với năm 2021; hệ số suy giảm sản lượng khai thác dầu thô của cả trong và ngoài nước gần như không đáng kể so với năm 2021 mặc dù các năm trước đó, hệ số suy giảm luôn rơi vào khoảng 10% một năm. Đây là những kết quả hết sức ấn tượng của Petrovietnam trong tình hình cực kỳ khó khăn và phức tạp ở quy mô toàn cầu về địa chính trị, xu hướng chuyển dịch năng lượng và kinh tế, xã hội.

Năm 2023 được dự báo là một năm đầy khó khăn, không chỉ cho lĩnh vực dầu khí mà cho toàn bộ các ngành kinh tế. Petrovietnam cần rất nhiều những nghiên cứu và ý tưởng từ tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực TDKT. Với bài học vượt khó trong những năm 2020 - 2021 cũng như kinh nghiệm thực tiễn đã áp dụng thành công trong năm 2022 vừa qua, và đặc biệt là cùng với những giải pháp đã đề ra cho năm 2023, lãnh đạo Petrovietnam bày tỏ sự tin tưởng, những nhiệm vụ đặt ra cho khối TDKT trong năm 2023 và các giai đoạn tiếp theo sẽ được hoàn thành theo kế hoạch, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch SXKD chung của toàn Tập đoàn.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng và Chủ tịch Hội DKVN Nguyễn Quốc Thập trao đổi tại Hội nghị.

Diễn ra liên tục trong hai phiên, Hội nghị đã nghe báo cáo trình bày của các Ban chuyên môn Tập đoàn: Tìm kiếm Thăm dò, Khai thác Dầu khí, Quản lý Hợp đồng Dầu khí; cùng các tham luận của đại diện Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty TNHH Liên doanh Rusvietpetro.

Đại diện các Ban chuyên môn của Tập đoàn trình bày tham luận về kế hoạch thăm dò thẩm lượng, kế hoạch sản lượng và quản lý đầu tư ra nước ngoài của Petrovietnam.

Ông Trần Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị.

Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam phát biểu tại Hội nghị

TS. Phan Ngọc Trung - Trưởng ban Tư vấn và phản biện Hội Dầu khí Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị đã đánh giá kết quả thực hiện công tác thăm dò, khai thác trong năm 2022, trao đổi và thảo luận một số nội dung về quy định, quy chế về quản lý hợp đồng, tìm kiếm thăm dò, phát triển khai thác liên quan tới Luật Dầu khí năm 2022; các hoạt động trong lĩnh vực dầu khí trong bối cảnh Tập đoàn triển khai công tác dịch chuyển năng lượng, phù hợp với cam kết trung hoà CO2 của Việt Nam vào năm 2050 cũng như những nội dung liên quan tới đầu tư trong nước và nước ngoài.

Đại diện các Ban chuyên môn Tập đoàn, đơn vị thành viên trao đổi, thảo luận tại Hội nghị.

Hội nghị cũng tập trung thảo luận, trao đổi một số nội dung chính về Kế hoạch TDKT năm 2023 và các giải pháp thực hiện thành công mục tiêu gia tăng trữ lượng cũng như kế hoạch sản lượng 2021-2025 tại các dự án; ảnh hưởng và tác động của các cơ chế, chính sách của Chính phủ đối với hoạt động dầu khí trong nước và triển khai dự án dầu khí ở nước ngoài; cũng như các nghiên cứu tiềm năng trong lĩnh vực TDKT.

Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn cùng lãnh đạo các Ban chuyên môn điều hành Hội nghị.

TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam nhận định, hoạt động TKTD của Petrovietnam những năm trước đây, các mỏ khai thác đều ở giai đoạn đỉnh cao, chưa phải đối mặt với những bài toán ứng phó đối với giai đoạn cuối đời như hiện nay. Petrovietnam phải xây dựng các kịch bản phù hợp để tiếp nhận các mỏ đã quá hạn hợp đồng hoặc đi vào giai đoạn tận khai thác. TS. Nguyễn Quốc Thập khẳng định Hội DKVN sẽ luôn đồng hành với Petrovietnam tiếp tục nghiên cứu những giải pháp về mặt kỹ thuật cũng như tổ chức điều hành để tiếp tục gia tăng hiệu quả hoạt động của các dự án, khai thác tối đa nguồn tài nguyên của đất nước.

TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhận định, để hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021-2025, khối E&P phải tập trung vào các giải pháp ngắn hạn, đồng thời có chiến lược thực hiện cụ thể các giải pháp dài hạn, về mặt quản trị dự án, cũng như các giải pháp về tài chính, đầu tư, cơ chế - chính sách…

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng đặc biệt nhấn mạnh các giải pháp về quản trị danh mục các dự án đầu tư, danh mục nhà thầu, các lô/ mỏ; thúc đẩy và đảm bảo đồng bộ tiến độ các dự án phát triển mỏ, đặc biệt là các dự án khí trọng điểm; hiện thực hóa các cơ chế chính sách tăng cường thu hút đầu tư; điều chỉnh các điều kiện của hợp đồng dầu khí đã ký để khuyến khích nhà thầu phát triển các mỏ nhỏ, cận biên… Ngoài ra, Tổng Giám đốc Tập đoàn cũng lưu ý đến các giải pháp về tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số vào công tác quản trị, điều hành.

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định, dầu khí là ngành kinh tế lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội, cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thực thi bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Trong đó, tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí là hoạt động cốt lõi trong các lĩnh vực cốt lõi của Petrovietnam, thời gian qua mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã có sự phát triển, mang lại những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp lớn vào thành công chung của Tập đoàn. Thứ trưởng Bộ Công Thương biểu dương toàn thể lãnh đạo và CBCNV, người lao động công tác trong lĩnh vực TKTD và khai thác dầu khí của Petrovietnam; đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực E&P mà Petrovietnam cần tập trung thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn đánh giá, với các chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể về TDKT đã được xây dựng cho giai đoạn 2021-2025, áp lực chuyển qua giai đoạn 2023-2025 là rất lớn đối với hoạt động gia tăng trữ lượng, phát triển các dự án mới; đặc biệt là các dự án khí không chỉ liên quan đến TDKT mà còn liên quan đến đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp khí cho khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.

Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn khẳng định, tập thể khối E&P sẽ chung sức đồng lòng, nỗ lực thực hiện vượt các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, duy trì mức sản lượng, gia tăng trữ lượng đã đạt được ở năm 2022

Về các giải pháp trung hạn và dài hạn, Petrovietnam sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các hạng mục công việc cho TKTD, phát triển mỏ, đồng thời tính đến các phương án thăm dò tận khai thác các khu vực hiện nay; trước mắt tập trung vào dự án khí trọng điểm Lô B, nỗ lực đạt FID trong năm 2023, cũng như thúc đẩy giải quyết các vướng mắc, sớm đưa vào phát triển mỏ khí Cá Voi Xanh; nỗ lực phối hợp với cơ quan soạn thảo hoàn thành xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật để tạo hành lang thông thoáng, phát huy được những điểm thuận lợi của Luật Dầu khí năm 2022. Đối với các ý kiến trao đổi tại Hội nghị, Tập đoàn ghi nhận, xem xét bổ sung vào kế hoạch tổ chức triển khai trong thời gian tới.

Phó Tổng giám đốc Lê Ngọc Sơn khẳng định, với sự hỗ trợ của Tập đoàn, tập thể khối E&P sẽ chung sức đồng lòng, nỗ lực thực hiện vượt các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, duy trì mức sản lượng, gia tăng trữ lượng đã đạt được ở năm 2022./.

Nguồn: Petrotimes

Lượt truy cập: 506