Kỷ niệm 10 năm Ngày khai thác dòng dầu đầu tiên mỏ Tê Giác Trắng (22/8/2011 - 22/8/2021): NHỮNG DẤU MỐC LỊCH SỬ TRÊN HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC MỎ TÊ GIÁC TRẮNG

22/08/2021

Hơn 22 năm cho quá trình tìm kiếm thăm dò, thẩm lượng, phát triển mỏ Tê Giác Trắng và tròn 10 năm kể từ khi dòng dầu đầu tiên (First Oil) được khai thác, PetroTimes xin điểm lại những dấu ấn nổi bật trên hành trình đưa dầu về bờ của một trong những dự án trọng điểm của Petrovietnam nói chung và PVEP nói riêng.

Năm 1999, Hợp đồng Dầu khí Lô 16-1 ngoài khơi Việt Nam được ký kết với thời hạn 25 năm giữa các đối tác tham gia ban đầu gồm có: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty SOCO Vietnam Ltd., Công ty Amerada Hess Vietnam và OPECO Vietnam. Sau nhiều lần điều chỉnh tỉ lệ góp vốn, các Bên góp vốn hiện nay gồm có PVEP (Việt Nam), Công ty SOCO (Anh), Công ty PTTEP (Thái Lan) và Công ty OPECO (Hoa Kỳ). Theo Hợp đồng Dầu khí Công ty Liên doanh Điều hành Hoàng Long (Hoàng Long JOC) được thành lập để quản lý điều hành các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng, phát triển và khai thác dầu khí tại Lô 16-1. Từ năm 2009, Bộ máy điều hành của Hoàng Long JOC đã sát nhập cùng Hoàn Vũ JOC thành Hoàng Long - Hoàn Vũ JOCs.

Lễ đón dòng dầu đầu tiên từ giàn đầu giếng H5 mỏ Tê Giác Trắng

Đến năm 2004, Hoàng Long JOC đã tiến hành các nghiên cứu địa chất và địa vật lý chi tiết vùng Bồn trũng Cửu Long. Một khối lượng lớn tài liệu địa chấn 3 chiều đã được thu nổ và xử lý bằng công nghệ tiên tiến nhất. Tiếp theo đó hàng loạt các giếng thăm dò đã được khoan tại các cấu tạo khác nhau tại khu vực Lô 16-1.

Năm 2005, với sự đánh giá kỹ lưỡng tài liệu địa chất, việc khoan thăm dò đã được quyết định tiến hành tại vị trí H1 của cấu tạo địa chất Tê Giác Trắng nằm ở phía Bắc của Lô 16-1, cách Vũng Tàu 100km về phía Đông Nam, ngoài khơi Việt Nam (cách mỏ Bạch Hổ 20km) đã thu được các kết quả rất tốt.

Ngày 4/9/2008, mỏ Tê Giác Trắng được tuyên bố thương mại chính thức.

Vào hồi 6 giờ 55 phút sáng ngày 22/8/2011, dòng dầu khí thương phẩm đầu tiên từ giàn TGT-H1-WHP thuộc mỏ Tê giác Trắng đã bắt đầu được khai thác (sớm 12 ngày so với kế hoạch). Đây là kết quả của sự nỗ lực của tập thể cán bộ, người lao động Hoàng Long - Hoàn Vũ JOCs trong điều kiện có nhiều khó khăn, đặc trưng địa chất phức tạp dẫn đến khó khăn cho việc đánh giá trữ lượng, xây dựng mô hình, phương án phát triển, thiết kế và quản lý mỏ, cùng với tiến độ chương trình phát triển mỏ rất gấp rút.

Giàn đầu giếng H4 mỏ Tê Giác Trắng

Tháng 7/2012, giàn TGT-H4-WHP được đưa vào khai thác dầu khí, sớm hơn 37 ngày so với kế hoạch phê duyệt của Ủy ban Quản lý Lô 16-1 và trước gần một năm so với kế hoạch phát triển mỏ do Bộ Công Thương phê duyệt.

Ngày 13/8/2015, giàn TGT-H5-WHP cũng bắt đầu được đưa vào khai thác. Thành tích đưa mỏ Tê Giác Trắng vào khai thác sớm từ 3 giàn H1, H4 và H5 với sản lượng trên dưới 40.000 thùng/ngày đã góp phần đảm bảo sản lượng khai thác của Petrovietnam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, tăng nguồn thu của ngân sách Nhà nước cũng như quyền lợi của các Bên tham gia hợp đồng.

Trải qua 10 năm kể từ khi bắt đầu đưa vào khai thác, thời gian hoạt động liên tục của mỏ Tê Giác Trắng luôn được duy trì ở mức độ cao (trên 98%). Sản lượng khai thác hàng năm hầu hết hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra. Tính đến hết 31/7/2021, tổng sản lượng khai thác mỏ Tê Giác Trắng đạt 96,5 triệu thùng dầu và 49,6 tỉ bộ khối khí. Bán thành công 421 chuyến dầu với tổng số dầu bán hơn 96,2 triệu thùng.

Trong hơn 22 năm qua, tập thể người lao động Hoàng Long JOC đã nỗ lực hoạt động không ngừng cho việc tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng, phát triển và khai thác mỏ Tê Giác Trắng, một trong những dự án trọng điểm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Công ty đã tổ chức thực hiện dự án, đẩy mạnh các phong trào thi đua, lao động sáng tạo với tinh thần dám nghĩ dám làm, tổ chức áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo, thực hiện các biện pháp tối ưu hóa hoạt động và tiết giảm chi phí hàng chục triệu USD để vận hành mỏ Tê Giác Trắng an toàn tuyệt đối và đạt hiệu quả cao từ tháng 8/2011 đến nay. Từ khi bắt đầu khai thác dòng dầu đầu tiên đến nay, Hoàng Long JOC đã nộp hơn 2,814 triệu USD các loại thuế nhằm đảm bảo nguồn thu ổn định cho ngân sách và góp phần xây dựng đất nước.

Bên cạnh đó, một trong những điểm nổi bật đem lại hiệu quả kinh tế cao cho Nhà nước và các Bên tham gia hợp đồng dầu khí Lô 16-1 là phương án phát triển mỏ theo phương án kết nối với các mỏ khác để sử dụng công suất dư thừa có sẵn, tạo điều kiện cho mỏ khác phát kết nối vào để phát triển nhằm tiết giảm chi phí đầu tư ban đầu, đó là mỏ Tê Giác Trắng đã thiết kế để cho phép mỏ Hải Sư Đen/Hải Sư Trắng của nhà điều hành Thăng Long JOC kết nổi nhằm mục đích chia sẻ chi phí. Với dự án kết nối phát triển như vậy đã đem lại lợi ích cho Nhà nước hàng trăm triệu USD.

Ngoài đóng góp quan trọng trong hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, thành công của mỏ Tê Giác Trắng khẳng định sự hợp tác kinh tế thành công của Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong việc triển khai các hoạt động dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam, đồng thời góp phần giữ vững và khẳng định chủ quyền biển đảo và an ninh kinh tế.

Nguồn; Petrotimes

 

Lượt truy cập: 574