NGA SẼ GIẢM HOẠT ĐỘNG KHOAN?

28/10/2020

Người đứng đầu ERIELL - nhà cung cấp dịch vụ mỏ dầu hàng đầu của Nga dự báo, một số công ty sản xuất dầu của Nga đã giảm 1/3 hoạt động khoan trong năm nay có thể sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 20% trong năm 2021.

Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Giám đốc điều hành ERIELL Vitaly Dokunikhin khẳng định: “Năm 2021 có vẻ không quá tốt. Các cuộc thảo luận cụ thể về kế hoạch cắt giảm hoạt động khoan đang diễn ra”.

Việc cắt giảm thêm hoạt động khoan cho thấy các công ty dầu mỏ của Nga kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ phục hồi nhanh chóng, mặc dù Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak gần đây nói rằng, nhu cầu chỉ có thể phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19 vào quý II/2021.

Hồi tháng 9, ông Novak từng tuyên bố: “Dự trữ tích lũy trong quý II đang dần thu hẹp và chúng tôi nhận thấy rằng tháng 7 và tháng 8 là hai tháng đầu tiên ghi nhận lượng dự trữ dầu giảm dần. Mức giảm cụ thể khoảng 45 triệu thùng vào tháng 8 và 34 triệu thùng vào tháng 7”.

Như vậy, thực tế không bi quan. Dmitry Marinchenko - Giám đốc Tập đoàn Fitch nói rằng, vẫn chưa có quyết định về kế hoạch khoan năm 2021 và nhấn mạnh, các nhà sản xuất địa phương đã linh hoạt khi đưa ra phương án giảm hoạt động khoan.

Song, ông Marinchenko thừa nhận, nếu nhu cầu dầu phục hồi chậm chạp và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) phải gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày thay vì nới lỏng thêm 2 triệu thùng/ngày từ tháng 1-2021 sẽ có tác động tiêu cực đến kế hoạch khoan.

Trước đó, Bộ Năng lượng Nga đã soạn thảo kế hoạch khoan khoảng 2.700 giếng chưa hoàn thành cho đến tháng 4-2022. Sau khi thỏa thuận với OPEC+ hết hiệu lực, những giếng này sẽ được hoàn thành và sẵn sàng giúp tăng tốc độ phục hồi năng lực sản xuất dầu mỏ.

Hiện tại, quan điểm chính thức của Nga là ủng hộ việc nới lỏng hơn nữa việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ bất chấp thông tin cho rằng Ảrập Xêút đang cân nhắc việc tiếp tục áp dụng mức cắt giảm hiện tại sau tháng 12-2020.

“Bất chấp làn sóng đại dịch Covid-19 thứ hai ở một số quốc gia, tôi và các đồng nghiệp vẫn tiếp tục lạc quan và kỳ vọng chúng ta có thể nâng dần sản lượng theo thỏa thuận mà không gây hại cho thị trường” - ông Alexander Novak viết trong một ấn phẩm của Bộ Năng lượng.

Thực tế, không có gì là chắc chắn bởi dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là châu Âu. Mặc dù đây không phải là thị trường nhập khẩu dầu lớn nhất, song việc khu vực này bị phong tỏa trở lại sẽ ảnh hưởng đến giao thương quốc tế và kéo theo đó là nhu cầu dầu giảm sút.

Nhiều ý kiến cho rằng OPEC sẽ không nới lỏng cắt giảm sản lượng vào tháng 1-2021. Quyết định sẽ chỉ được đưa ra sau cuộc họp OPEC được tổ chức từ ngày 30-11 đến 1-12-2020.

Nguồn: Petrotimes

Lượt truy cập: 84