Dự thảo Luật dầu khí: Cần cơ chế để 'đánh thức nàng công chúa dầu khí xinh đẹp đang ngủ'

21/09/2022

TTO - Dự thảo Luật dầu khí (sửa đổi) qua nhiều lần được góp ý, bổ sung, chỉnh lý và đang đi đến giai đoạn hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2022).

Giàn Đại Hùng 01 thuộc PVEP POC - Ảnh: H.A.

Ông Lê Đắc Hóa, giám đốc dự án mỏ Thăng Long - Đông Đô (dự án lô 01, 02), kỳ vọng Luật dầu khí như "chàng hoàng tử đánh thức nàng công chúa dầu khí xinh đẹp đang ngủ", đặc biệt là với thăm dò, khai thác dầu khí.

Tính toán rất nhiều đến cơ chế chia sẻ rủi ro

Sau phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra thông báo kết luận nêu rõ yêu cầu tiếp tục hoàn thiện dự án luật.

Trong đó, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần thiết lập hành lang pháp lý cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Đẩy mạnh phân cấp, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, giảm bớt các đầu mối trong quản lý nhà nước, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định về điều tra cơ bản của dầu khí. Thực hiện chính sách khai thác tài nguyên với mỏ dầu khí khai thác tận thu.

Cạnh đó, thống nhất quy định theo hướng giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện khai thác đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu theo cơ chế chênh lệch giữa doanh thu và chi phí thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước, trên nguyên tắc kiểm soát chặt chẽ chi phí để khuyến khích khai thác tận thu.

Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho biết dự thảo luật mới nhất đã quy định chính sách ưu đãi áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí được thực hiện thông qua hợp đồng dầu khí.

Ông chỉ rõ dự thảo luật đã có nhiều cải cách về thể chế, tính toán rất nhiều đến cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt ở khâu điều tra, thăm dò.

Đồng thời phân định rất rõ thẩm quyền, trong đó Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề quan trọng, còn lại xác định rõ thẩm quyền ở từng khâu thuộc trách nhiệm của bộ, PVN...

Ông Trần Hồ Bắc - Ảnh: N.T.

Ưu đãi của Việt Nam mới chỉ ở mức vừa phải

Tại tọa đàm về dự thảo luật, ông Hoàng Ngọc Trung, phó tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), nói dự thảo luật có nhiều điều khoản liên quan thuế, thu hồi chi phí cải thiện hơn so với luật hiện hành.

Tuy nhiên theo ông Trung, quy mô đầu tư trong tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đang giảm dần. Trong gần 6 năm qua đơn vị chỉ ký được 2 dự án, trong khi giai đoạn trước đó có đến 27 dự án... Do đó cần rõ ràng về thủ tục, cơ chế nhằm khuyến khích đầu tư.

Ông Trung nói thêm hiện mức ưu đãi của Việt Nam chỉ ở mức vừa phải, vì vậy kỳ vọng dự luật sẽ có những điều khoản ưu đãi mới tạo động lực cho ngành.

Từ đó, ông Trung kiến nghị dự luật cần quy định cho phép Thủ tướng quyết định mức miễn giảm thuế ưu đãi cao hơn so với dự thảo hiện nay cho các lô, mỏ cần áp dụng cơ chế chính sách đặc biệt để có thể hiện thực hóa hoạt động khai thác tận thu...

Ông Lê Đắc Hóa, giám đốc dự án mỏ Thăng Long - Đông Đô (dự án lô 01, 02), kỳ vọng Luật dầu khí như "chàng hoàng tử đánh thức nàng công chúa dầu khí xinh đẹp đang ngủ", đặc biệt là với thăm dò, khai thác dầu khí.

Ông Hóa nêu sau nhiều năm khai thác hiệu quả, các mỏ đang bước vào giai đoạn suy giảm sản lượng khai thác nhanh do chưa đầu tư bổ sung (khoan các giếng khai thác mới).

Theo ông Hóa, các hợp đồng lớn (FPSO, bảo hiểm, trực thăng...) tại các mỏ thường ngắn hạn, không tối ưu được về giá, hằng năm đều phải làm thủ tục ký lại. Do vậy cần có cơ chế chính sách đặc thù để lô 01, 02 có thể tận thu khai thác, tránh lãng phí tài nguyên.

Nêu ý kiến cá nhân, ông Trần Hồ Bắc, phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC), nói các quy định của dự thảo luật chỉ nên là "khuyến khích đầu tư chứ không phải ưu đãi đầu tư".

Ông nói ở các nước khác có hợp đồng chia sẻ rủi ro, còn với quy định tại dự thảo thì rủi ro nhà thầu chịu 100%.

Bên cạnh đó những ưu đãi về thuế chỉ tiệm cận ở mức cạnh tranh với các nước khác, mà ở Việt Nam để sửa luật mất cả chục năm, trong khi các nước khác họ có thể điều chỉnh rất nhanh.

Ông Bắc nêu thêm, tại điều 26 Luật dầu khí quy định nhà thầu được quyền ký kết hợp đồng về dịch vụ dầu khí nhưng phải ưu tiên ký kết những hợp đồng đó với tổ chức, cá nhân Việt Nam. Tuy nhiên dự luật mới không còn quy định trên.

Ông kiến nghị nên giữ nguyên quy định bởi nhiều nước đều có quy định bảo hộ để bảo vệ các công ty trong nước. 

Nguồn: Tuoitre.vn

Lượt truy cập: 177