DẦU WTI TĂNG VỌT GẦN 17% TRONG TUẦN QUA KHI THỎA THUẬN CẮT GIẢM CỦA OPEC+ BẮT ĐẦU

03/05/2020

Các hợp đồng dầu WTI tương lai tiếp tục tăng mạnh vào ngày thứ Sáu (01/05) để ghi nhận mức tăng trong tuần qua, khi thị trường đánh dấu ngày bắt đầu chính thức cắt giảm sản lượng theo thỏa thuận gần đây của các nhà sản xuất dầu chủ chốt, MarketWatch đưa tin.

“Giá dầu đang bất chấp tình trạng dư cung hiện tại và thay vào đó tập trung vào sự khởi đầu của hành động cắt giảm sản lượng đáng kể nhất trong lịch sử”, Phil Flynn, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Price Futures Group, nhận định.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh, được gọi chung là nhóm OPEC+, đã bắt đầu cắt giảm sản lượng sau khi đạt được thỏa thuận hồi tháng 04/2020 để cắt giảm 9.7 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 5 và tháng 6/2020. Động thái này nhằm bù đắp sự sụt giảm nghiêm trọng nhu cầu toàn cầu do các lệnh hạn chế đi lại để ngăn chặn sự lây lan dịch COVID-19.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6 trên sàn Nymex tiến 94 xu (tương đương 5%) lên 19.78 USD/thùng, qua đó góp phần nâng tổng mức leo dốc trong tuần lên 16.8%, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Dầu WTI đã bứt phá 52% trong 2 phiên vừa qua nhưng vẫn sụt 8% trong tháng 4/2020 và “bốc hơi” gần 68% từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, hợp đồng dầu Brent giao tháng 7 trên sàn Luân Đôn hạ 4 xu (tương đương gần 0.2%) xuống 26.44 USD/thùng. Tuần qua, hợp đồng này vọt 6.6%.

Tuy nhiên, ngay cả khi OPEC+ bắt đầu cắt giảm sản lượng, nhà đầu tư vẫn chú ý đến những con số mới nhất về mức sản lượng của các thành viên OPEC trong tháng 4/2020.

Sản lượng OPEC tăng lên đỉnh 13 năm trong tháng 4/2020 khi các thành viên bơm thêm 30.25 triệu thùng/ngày, tăng 1.61 triệu thùng/ngày so với mức hồi tháng 3/2020, một cuộc thăm dò từ Reuters cho thấy.

Trước khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ đạt được hồi tháng 4/2020, một cuộc họp vào đầu tháng 3/2020 đã thất bại sau khi Ả-rập Xê-út và Nga không đồng thuận cắt giảm sản lượng. Điều đó dẫn đến một cuộc chiến giá dầu và sản lượng nhảy vọt ở cả 2 nước.

Dầu WTI đã trở thành tiêu đề nóng hổi vào ngày 20/4/2020 khi hợp đồng dầu WTI giao tháng 5 dao động và khép phiên tại mức âm lần đầu tiên từ trước đến nay. Trong khi đó chủ yếu là do cơ chế sai lệch của quá trình hết hạn trong bối cảnh khủng hoảng không gian lưu trữ, nó được xem là một biểu tượng của thị trường giá xuống (bear market) khi chứng kiến giá dầu giảm sâu lịch sử.

Các chuyên gia phân tích cho biết tình trạng dư cung có thể kiểm soát giá dầu trong nhiều tuần và tháng tới, mặc dù một số người nhận thấy năng lực phục hồi vào cuối năm khi các nhà sản xuất cắt giảm sản lượng và giảm đầu tư để đối phó với sự sụp đổ của giá dầu.

“Chúng ta kỳ vọng mức giá thấp này cuối cùng sẽ cân bằng lại thị trường thông qua tăng trưởng nhu cầu mạnh hơn khi suy thoái đại dịch COVID-19 giảm bớt cùng với sự sụt giảm nhanh chóng sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ”, Jason Gammel, Chuyên gia phân tích tại Jefferies, chia sẻ.

Vào ngày thứ Sáu, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ giảm tuần thứ 7 liên tiếp, mất 53 giàn còn 325 giàn trong tuần này, qua đó cho thấy khả năng sụt giảm hơn nữa sản lượng dầu thô nội địa.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng xăng giao tháng 6 rớt 2.2% xuống 76.63 xu/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 6 sụt 4.4% xuống 79.61 xu/gallon.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 6 mất 3% còn 1.89 USD/MMBtu.

Nguồn: Fivi.vn

Lượt truy cập: 57